Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) là gì?

by Toàn Trần
Rối loạn stress sau chấn thương.

Rối loạn stress sau chấn thương hay PTSD (Posttraumatic Stress Disorder) là tên gọi của một dạng rối loạn tâm lý tâm thần. Căn bệnh này là hậu quả của những chấn thương tinh thần hoặc thể chất đã để lại cho người đã từng chứng kiến hay trực tiếp can dự vào những biến cố kinh hoàng, có tầm mức đe dọa đến mạng sống của họ trước đây. Nói cách khác, phản ứng này là hậu quả của một kinh nghiệm chấn thương làm tâm thần cá nhân bị rối loạn, bao gồm: Cảm giác chán chường, khó ngủ, gặp ác mộng, bị kẹt trong vòng luẩn quẩn của những ký ức cũ đau buồn,… Cùng Trần Toàn Psy tìm hiểu trong bài viết sau.

Rối loạn stress sau sang chấn.

Khó làm chủ cảm xúc của mình.

Ví dụ: Những nạn nhân sống sót sau thảm họa, tai nạn, bạo lực học đường,… hoặc những người lính sau chinh chiến sẽ bị ám ảnh với những họ đã trải qua và khó làm chủ cảm xúc của mình

Triệu chứng của Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)?

Các triệu chứng đặc trưng được phát hiện qua ba khía cạnh tư duy, tình cảm, và hành vi của người, gồm: 

  • Rối loạn giấc ngủ: trong giấc ngủ thường mơ thấy những cảnh hãi hùng, đau buồn đã từng trải qua trong quá khứ; đôi khi kèm theo mê sảng, đấm đá, la hét, hay có lúc toát mồ hôi hột lúc tỉnh dậy.
  • Tâm trạng lo lắng, sợ hãi, bồn chồn, hồi hộp: một số hay bị tật giật mình, hoảng hốt và thường rất nhạy cảm với tiếng động. Khoảng thời nhạy cảm nhất thường là buổi chiều chạng vạng (có lẽ thời gian này cơ thể thường uể oải, sinh lực thường giảm sút).

    Rối loạn stress sau sang chấn.

    Rối loạn giấc ngủ.

  • Thường có phản ứng tránh né: tránh né tiếp xúc với mọi thứ có khả năng gợi lại chấn thương cũ. Xảy ra dưới nhiều hình thức vượt ra ngoài sự nhận biết của ý thức cá nhân. Ví dụ: cảm thấy bị ù tai, hay tê liệt cánh tay, hoặc quên bẵng đi một số sự kiện hay một giai đoạn nào của biến cố trong quá khứ ( Tâm lý sinh động cho rằng hiện tượng này là kết quả của một tiến trình tâm lý tiềm ẩn được dần phát triển để chống lại một tâm trạng lo âu, căng thẳng vì những xung đột nào đó bên trong nội tâm).
  • Thường cảm thấy bị cô đơn, bị cô lập, tách biệt: cảm thấy khó hòa đồng, thiếu hăng say, thích thú, hứng khởi trong những sinh hoạt thường nhật. Một số thường có cảm giác như thể tương lai cuộc sống của mình sẽ rất ngắn ngủi, không sống được lâu nữa.

    Rối loạn stress sau chấn thương.

    Cảm thấy cô đơn, tách biệt.

  • Khó kiềm chế cảm xúc: Rất dễ tức giận và bất mãn với những việc gì bất công, hoặc bị bắt nạt, đe dọa,… Hoặc sẽ rất dễ xúc động , dễ khóc trước nỗi thương tâm, đau khổ của chính mình hay của người khác,… Một số trường hợp khác thì cảm xúc bị chai lì, thiếu tự nhiên trong cách biểu lộ ra ngoài. Ngoài ra lại có 1 số trường hợp trong đó cá nhân trở nên rất dễ giận hờn, cố chấp trong mối quan hệ giao tiếp.
  • Thêm vào đó, hậu quả của chấn thương cũng có thể làm phát triển những hiện tượng tâm lý tiêu cực, tức là cảm thấy mình là tác nhân của mọi đau buồn đang có, như cảm giác tự đổ lỗi, ý tưởng tự trừng phạt, và ý tưởng tự hoại.

Chẩn đoán theo DSM-V:

Tiếp xúc trực tiếp với cái chết thực sự hoặc mối đe dọa chết, chấn thương nghiêm trọng hoặc bạo lực tình dục thể hiện bằng 1 ( hoặc nhiều hơn) những cách sau:

  • Trực tiếp trải qua những sự kiện sang chấn.
  • Chứng kiến sự kiện sang chấn đó xảy ra với người khác.
  •  Biết được sự kiện đó xảy ra với một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè…
  • Sự trải nghiệm lặp đi lặp lại hoặc tiếp xúc quá mức với chi tiết bất lợi của các yếu tố gây sang chấn.

    Rối loạn stress sau chấn thương.

    Sau khi trải qua chấn thương.

Sự có mặt của một hoặc nhiều hơn các triệu chứng sau đây liên quan đến các sự kiện sang chấn, bắt đầu kể từ sau khi cá nhân bị sang chấn xảy ra:

  • Các kí ức hoặc gợi nhớ đến sự kiện sang chấn tái diễn, cưỡng bức, không kiểm soát được.
  • Tái diễn những giấc mơ khó chịu có nội dung và/hoặc ảnh hưởng của sự kiện sang chấn.
  • Phản ứng phân lý.
  • Căng thẳng tâm lý kéo dài hoặc mãnh liệt khi tiếp xúc với biểu tượng hoặc dấu vết gợi nhớ của sự kiện sang chấn.
  • Phản ứng sinh lý với biểu tượng hoặc dấu vết gợi nhớ của sự kiện sang chấn.

Sự né tránh bền vững với những kích thích liên quan tới các yếu tố sang chấn, bắt đầu sang chấn:

  •  Tránh/ nỗ lực tránh những kí ức đau buồn, những suy nghĩ, cảm xúc liên quan chặt chẽ với sự kiện sang chấn.
  • Tránh/nỗ lực tránh các gợi nhớ khơi dậy các kí ức đau buồn, suy nghĩ, hay cảm xúc liên quan với sang chấn.

    Rối loạn stress sau chấn thương.

    Thay đổi, tránh né liên quan đến sang chấn.

 Những thay đổi tiêu cực trong nhận thức cảm xúc liên quan đến yếu tố sang chấn:

  • Không có khả năng nhớ những khía cạnh quan trọng của sang chấn (không do chấn thương sọ não, rượu, ma tuý).
  •  Nhận thức sai lệch, dai dẳng về nguyên nhân, hậu quả của sang chấn dẫn đến đổ lỗi cho bản thân hay người khác.
  • Trạng thái cảm xúc tiêu cực, dai dẳng (sợ hãi, kinh hoàng, giận dữ, tội lỗi hay xấu hổ).
  • Suy giảm rõ rệt quan tâm thích thú hoặc tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa.

Có hai hay nhiều hơn các biểu hiện liên quan đến phản ứng cơ thể với yếu tố gây sang chấn:

  • Tăng cảm giác.
  • Rối loạn giấc ngủ.
  • Rối loạn gây đau khổ và suy giảm các chức năng XH.

Thời gian các RL trên kéo dài (tiêu chuẩn B,C,D và E) hơn 1 tháng.

Liệu pháp trị liệu:

Tâm lý trị liệu là phương thức trị liệu chính của Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), và được phối hợp áp với các phương pháp khác, gồm: 

Liệu pháp nhận thức hành vi: giúp người bệnh hiểu và thay đổi những suy nghĩ cũng như phán đoán lệch lạc để ổn định lại cảm xúc quá trớn và ý tưởng tiêu cực. Dùng để củng cố, gia tăng, hay loại bỏ dần những hành vi không phù hợp với thực tế do hậu quả của những chấn thương đã qua trước đây.

Rối loạn stress sau sang chấn.

Liệu pháp nhận thức hành vi.

Liệu pháp tâm lý sinh động: giúp người bệnh biết phối hợp những trải nghiệm đã qua trong biến cố chấn thương và những nét đặc biệt trong cấu trúc tổng quát của cá tính, làm gia tăng sự nhận biết của người bệnh về những tranh chấp sâu thẳm bên trong của ý tưởng và cảm xúc biến cố chấn thương gây ra. 

Liệu pháp thôi miên và các phương pháp thư giãn: đôi khi được sử dụng trong 1 số trường hợp đặc biệt để giúp người bệnh giảm thiểu những triệu chứng không bình thường của các chức năng thuộc hệ thống thần kinh tự chủ.

Liệu pháp trị liệu nhóm: áp dụng với những bệnh nhân có cùng triệu triệu chứng giống nhau, với mục đích là hỗ trợ và gia tăng khả năng hiểu biết về các biến chuyển của đời sống nội tâm cũng như sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Liệu pháp này có thể thực hiện song song với các liệu pháp khác…

Rối loạn stress sau sang chấn.

Phương pháp trị liệu nhóm.

Tái xử lý và khử nhạy cảm chuyển động của mắt (EMDR): giảm bớt những cảm xúc phiền muộn liên quan đến những ký ức đau buồn. Trong một buổi EMDR, chuyên gia trị liệu sẽ yêu cầu bạn chọn một hình ảnh trong tâm trí liên quan đến ký ức mà bạn muốn xử lý. Bạn cũng sẽ phải tập trung vào bất kỳ niềm tin tiêu cực nào về bản thân, hoặc những cảm xúc tiêu cực liên quan đến sự kiện đau buồn. Chuyên gia trị liệu sẽ di chuyển các ngón tay của họ tới lui trước mắt bạn và yêu cầu bạn theo dõi chuyển động tay của họ (một số chuyên gia trị liệu sử dụng các hình thức khác với chuyển động ngón tay, chẳng hạn như gõ bàn tay hoặc ngón chân hoặc âm nhạc). Đồng thời, họ sẽ hỏi những câu hỏi cụ thể về ký ức tổn thương của bạn. Ví dụ, nhớ lại những cảm xúc và cảm giác cơ thể đi cùng với sự kiện. Dần dần, chuyên gia trị liệu sẽ hướng dẫn bạn chuyển suy nghĩ hoặc cảm xúc về sự kiện đó sang những suy nghĩ hoặc cảm xúc tích cực hơn.

Rối loạn stress sau sang chấn.

Phương pháp EMDR.

Dược lý trị liệu chỉ cần dùng trong những trường hợp cấp cứu, cũng như để làm lắng dịu các triệu chứng liên quan đến hoạt động của hệ thần kinh tự chủ như mất ngủ, bồn chồn, nhịp tim tăng nhanh,… Nhưng nếu không kết hợp với sự chữa trị bằng tâm lý trị liệu thì các triệu chứng sẽ tái phát trong thời gian rất ngắn. 

Kết luận

Rối loạn stress hậu chấn thương là một trong những bệnh tâm thần có thể phục hồi nếu các triệu chứng bệnh không kéo dài đến độ trở thành mãn tính, và nếu khoảng thời gian từ lúc bị chấn thương đến lúc khởi phát các triệu chứng không cách xa nhau thì khả năng hồi phục sẽ khả quan hơn. Bất kỳ vấn đề nào về tâm lý con người cũng cần rất nhiều thời gian và công sức giữa thân chủ và nhà tham vấn, thời gian để phục phục hồi nhanh hay chậm khi trị liệu sẽ tùy thuộc vào đặc điểm riêng của từng cá nhân. 

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, không chỉ sức khỏe về thể chất mà ngay cả sức khỏe tinh thần cũng vậy, để cải thiện sức khỏe thể chức thì cần trạng thái tinh thần ở mức ổn định, và để cải thiện sức khỏe tinh thần cũng cần trạng thái thể chất ở mức ổn định. Hy vọng rằng sau bài viết này thì các bạn cũng sẽ trang bị được cho mình một chút kiến thức dành cho sức khỏe tinh thần của mình và tự cải thiện lối sống của mình theo hướng tốt hơn,

You may also like

Leave a Comment