Sigmund Freud (1856 –1939).
Tên đầy đủ là Sigismund Schlomo Freud, Freud vào trường trung học sớm hơn một năm. Từ nhỏ Freud đã bộc lộ khả năng trí tuệ xuất chúng và luôn nhận được sự ủng hộ tốt nhất từ phía gia đình. Năm 17 tuổi, việc làm quen với học thuyết tiến hóa của Darwin đã đánh thức mối quan tâm của S. Freud đối với nghiên cứu khoa học và ông quyết định cống hiến đời mình cho y học.
Năm 1873, S. Freud đỗ vào Trường Đại học Tổng hợp Vienne. Ban đầu, ông say mê sinh học và đã tự mình mổ hơn 400 con lươn đực để nghiên cứu tuyến sinh dục của chúng. Mặc dù những kết quả thu được không hoàn toàn nhất quán, nhưng điều thú vị là ngay từ đầu đã bộc lộ hứng thú khoa học của S. Freud với vấn đề giới tính. Sau đó, ông đã đi sâu vào Sinh học, tìm hiểu dây sống của cá, theo dõi dưới kính hiển vi hơn 6 tháng.
Ngay từ khi còn học Y học, Freud đã bắt đầu tiến hành thí nghiệm về việc sử dụng cocain. Ông tự thử nó, tập cho cả vợ chưa cưới và bạn bè. Chính ông đã đưa việc sử dụng cocain vào Y học thực hành và coi nó là phương tiện làm giảm trầm uất, chống lại các rối loạn tiêu hóa mãn tính.
Năm 1884, Freud đã xuất bản một công trình nghiên cứu chuyên biệt về những ưu thế trong việc sử dụng cocain. Có thể nói rằng, chính bài báo này rất quan trọng đối với nạn dịch nghiện cocain khắp châu Âu và châu Mĩ, kéo dài đến trước những năm 20 của thế kỉ XX. Sau này, Freud đã bị lên án gay gắt về việc tuyên truyền ma túy và việc sử dụng chúng cho những mục đích khác ngoài phẫu thuật mắt. Người ta buộc tội ông đã thả quỷ trong chai ra, tạo nên một nạn dịch mới. Cho đến cuối đời Freud vẫn cố gắng tránh bất cứ gợi nhớ nào về sự kiện này. Thậm chí, ông còn không công bố những công trình viết về việc sử dụng cocain trong bảng thư mục của mình.
Freud dự định tiếp tục sự nghiệp khoa học thuộc lĩnh vực lí luận nhưng vì lý do tài chính, lúc đó ông quá nghèo, không có tiền để học làm giáo sư trong nhiều năm ở Trường Đại học Tổng hợp. Freud quyết định thi để nhận quyền được hành nghề y tư nhân.
Năm 1881, Freud nhận được học vị tiến sĩ y học và bắt đầu thực hành với tư cách là một nhà thần kinh lâm sàng, mặc dù công việc này không mấy thú vị. Ít lâu sau, S. Freud đính hôn với Martha Bernays, một cô gái cũng rất nghèo. Mãi sau này, Freud vẫn không thể quên những ngày bần cùng đó. S. Freud có 6 người con, trong đó cô gái út Anna rất gắn bó với cha, tiếp nối sự nghiệp của ông và trở thành nhà Phân tâm học trẻ em hàng đầu thế giới.
Từ năm 1882 đến 1885, Freud làm việc tại Viện Đa khoa Viên, nghiên cứu sâu hơn về giải phẫu não và bệnh lý học tâm thần. Sau đó, ông phục vụ trong các khoa ngoại, nội, nhi, da liễu… nhờ đó Freud đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm lâm sàng.
Trong thời gian này, Freud kết bạn với bác sĩ tâm thần J. Breuer (1842 – 1925). Breuer đã cho Freud nhiều lời khuyên và còn cho ông vay tiền. Đối với Freud, Breuer có nét gì đó như người cha – một hình ảnh tượng trưng. Còn Breuer thì coi Freud không phải là một cậu em trai đang lớn. Họ thường tranh luận với nhau những trường hợp khó từ thực tế công việc của Breuer, trong đó có trường hợp của Anna. Chính sự kiện này đã đóng vai trò quyết định trong quá trình hình thành Phân tâm học. Bởi thông qua ca bệnh này, lần đầu tiên Freud tiếp cận với phương pháp thanh trừ trị liệu bằng đàm thoại, là những phương pháp đóng vai trò chủ yếu trong các nghiên cứu của ông sau này.
Tháng 10/1885, Freud được nhận một nhiệm vụ nhỏ đến Paris vài tháng. Ở đó, ông đã được làm việc với J.M. Charcot (1825 – 1893) – lúc bấy giờ đã là nhà thần kinh bệnh lý học nổi tiếng. Qua Charcot, ông làm quen với phương pháp sử dụng thôi miên để trị liệu các chứng bệnh tâm thần. Sau đó, Charcot đã trở thành một biểu tượng người cha trong cuộc đời Freud. Cũng chính Charcot đã lưu ý S. Freud về vai trò của tính dục đối với sự tiến triển của những hành vi Hysteria. Ông cho rằng nguyên nhân dẫn đến những rắc rối của bệnh nhân chắc chắn có nguồn gốc từ vấn đề tính dục.
Freud rất tích cực sử dụng phương pháp thôi miên và thanh trừ mà Breuer đã dùng trong hàng loạt ca điều trị. Tuy thế, ông không hài lòng với quá trình và các phương pháp điều trị này. Vì vậy, sau này, ông đã ngừng sử dụng thôi miên và thanh trừ như là một phương pháp nghiên cứu, điều trị. Ông đưa ra một kĩ thuật tâm lý mới – phương pháp liên tưởng tự do.
Năm 1885, cùng với Breuer, Freud đã cho ra mắt một nghiên cứu với tiêu đề Những nghiên cứu về Hysteria. Ấn phẩm này được coi là sự khởi đầu chính thức của Phân tâm học. Trong cuốn sách đó có các bài viết của cả hai người và những ghi chép mô tả một số bệnh sử rối nhiễu tâm lý, kể cả trường hợp của Anna O. Mặc dù có một số phản ứng tiêu cực, nhưng nhìn chung, cuốn sách được đánh giá rất cao trong các ấn phẩm khoa học ở châu Âu. Cũng do việc xuất bản cuốn sách này, quan hệ giữa S. Freud và Breuer bị xấu đi nghiêm trọng.
Năm 1896, S. Freud đọc một báo cáo tại Hội Tâm thần học và Thần kinh học Viên về kết quả tiến hành các buổi chữa bệnh rối nhiễu tâm lý bằng liên tưởng tự do của bệnh nhân. Ông nhận thấy, họ đã nhớ lại những cám dỗ của họ thời ấu thơ và người quyến rũ họ là một ai đó trong những người lớn tuổi trong gia đình, thường là người cha. Freud tin rằng những chấn thương tâm lí như vậy chính là nguyên nhân của rối nhiễu tâm lí về sau. Trong bài báo này, lần đầu tiên từ phương pháp phân tâm được dùng thay phương pháp thanh trừ. Bài báo này được đón nhận với thái độ lạnh nhạt, thờ ơ của đồng nghiệp. Điều này đã làm danh dự nghề nghiệp của S. Freud bị tổn thương nghiêm trọng.
Mặc dù đề cao vai trò của tính dục trong đời sống tình cảm của con người, nhưng nhìn chung S. Freud vẫn có thái độ tiêu cực đối với tính dục và bản thân ông có những khó khăn nhất định về phương diện này. Ông đòi hỏi loài người cần phải huy động tất cả sức lực để vượt lên trên những “nhu cầu bản năng tầm thường”. Ông cho rằng, tính dục hạ thấp con người, làm dơ bẩn cả thể xác cũng như tâm hồn của họ. Vào năm 1897, khi 41 tuổi, ông tuyên bố rằng, bản thân ông đã hoàn toàn tránh được tính dục và ông đã bắt đầu một công việc nghiêm túc là tự phân tích tâm lí của mình. Ông đã bị hành hạ bởi rất nhiều triệu chứng nhiễu tâm, mà ông tự xác định là nhiều tâm lo âu. Theo ông, nguyên nhân của chứng nhiễu tâm này là sự căng thẳng tính dục tích tụ lại. Đối với ông, đó là giai đoạn có những xung đột nội tâm cao độ, nhưng cũng là một trong những giai đoạn làm việc có hiệu quả nhất trong cuộc đời. Trên thực tế, học thuyết nhiễu tâm của ông phần lớn được dựa vào những trải nghiệm và phân tích các rối nhiễu của chính bản thân ông, “Bệnh nhân chính của tôi chính là bản thân tôi”, ông đã tự viết như vậy. Ong tiến hành việc tự phân tâm để hiểu bản thân và hiểu bệnh của mình một cách đúng đắn hơn. Phương pháp tự phân tâm cũng là phương pháp phân tích giải thích những giấc mơ.
Hiểu rằng, không thể phân tâm bản thân mình bằng liên tưởng tự do, bởi vì không thể cùng một lúc vừa là bác sĩ vừa là bệnh nhân, nên ông quyết định phân tích các giấc mơ của mình. Cứ mỗi buổi sáng tỉnh dậy, ông lại cố gắng ghi chép thật tỉ mỉ những giấc mơ của mình, sau đó mới dùng phương pháp liên tưởng tự do.
Sự phân tâm như vậy kéo dài suốt 2 năm. Kết quả và đỉnh cao của việc làm đó là cuốn sách Đoán giải những giấc mơ được ra đời năm 1900. Tác phẩm là một trong những công trình nghiên cứu chính của ông. Trong cuốn sách này, lần đầu tiên ông đã vạch ra nguồn gốc của mặc cảm Oedipus được hình thành từ những trải nghiệm thơ ấu của bản thân. Tại Zurich (Thuy Sĩ) chàng trai trẻ tuổi C. Jung đã đọc cuốn sách này và từ thời điểm đó cuộc đời của anh được định đoạt. Niềm tin mãnh liệt vào phân tâm học đã được hình thành ở Jung.
Sự thành công của cuốn sách Đoán giải những giấc mơ lớn đến nỗi nó được tái bản 9 lần. Từ đó S. Freud đã xem phương pháp này là một kĩ thuật chuẩn mực của phân tâm học và chính ông hằng ngày đã dành nửa giờ để tự phân tích các giấc mơ.
Giai đoạn từ 1900 đến 1910 vị thế chuyên môn của Freud đã được củng cố một cách nhanh chóng. Việc hành nghề chữa bệnh tư nhân của ông phát triển tốt. Năm 1909, là năm đưa ông đến sự thừa nhận của quốc tế, khi ông cùng với C. Jung được mời dự lễ kỉ niệm 20 năm ngày thành lập Trường Đại học Tổng hợp Clark, bang Massachusetts. Ông được mời giảng bài trước công chúng và được phong tặng học vị tiến sĩ danh dự về tâm lí học. Những bài giảng của ông được in trong “Tạp chí Tâm lí học Mĩ” và được dịch ra hàng loạt thứ tiếng khác. Cũng trong chuyến đi này, ông đã có điều kiện gặp gỡ nhiều nhà tâm lí học kiệt xuất của Mĩ: Wiliam James, E.B. Titchener và Mc. Cattel…
Công trình tiếp theo của Freud có nhan đề là Ba tiểu luận về học thuyết tính dục, ra mắt bạn đọc vào năm 1905.
Những năm sau đó, S. Freud đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm: Dẫn luận Phân tâm học (1910), Tôtem và cấm kị (1913), Nguyên tắc siêu việt và khoái lạc (1920), Văn minh và sự bất mãn (1920), Tự ngà và bản ngã (1923)…
Năm 1902, S. Freud cùng học trò của mình là A. Adler thành lập Hội Các nhà nghiên cứu phân tâm học. Năm 1908, Chi hội Phân tâm học quốc tế ra đời ở Vienne và Hội nghị Phân tâm học quốc tế lần thứ nhất được tổ chức. Năm 1910, Freud cùng các học trò thành lập Hội Phân tâm học quốc tế. Năm 1918, thành lập Nhà xuất bản Phân tâm học và năm 1924, công bố những tập dầu của Toàn tập Freud.
Như một nghịch lí, phân tâm học càng phát triển thì nguy cơ chia rẽ trong nội bộ các nhà nghiên cứu càng lớn. Sự chia tay giữa S. Freud và A. Adler xảy ra vào năm 1911, còn với C. Jung, một người mà Freud từng coi là đứa con tinh thần của mình và là người kế tục sự nghiệp phân tâm học của ông thì chia tay ông vào năm 1914. Sự kiện này làm S. Freud rất tức giận và buồn phiền.
Năm 1923, Freud đã mắc bệnh ung thư vòm họng. Hơn 16 năm trời, ông liên tục bị dày vò bởi bệnh tật và đã trải qua 33 lần phẫu thuật. Kết quả là một phần của vòm họng và phần của hàm trên đã bị cắt bỏ. Giọng nói của ông trở nên rất khó nghe, khó hiểu. Mặc dù ông vẫn tiếp tục gặp gỡ học trò và bệnh nhân nhưng những tiếp xúc như vậy thường hạn chế.
Sau khi A. Hitle lên nắm quyền ở Đức, quan điểm phân biệt chủng tộc đối với học thuyết Phân tâm được thực hiện. Những cuốn sách của Freud đã bị đốt công khai ở các quảng trường Berlin vào tháng 5/1933. Nhiều người thân trong gia đình bị sát hại. Năm 1938, với sự lo lót của Hội Phân tâm học quốc tế, S. Freud cùng gia đình di cư sang Luân Đôn và ngày 23/9/1939, ông mất tại đó. Ông chưa kịp xuất bản tác phẩm cuối cùng Tóm tắt Phân tâm học.
Sinh thời, S. Freud làm việc với sức lực, nghị lực, ý chí, lòng dũng cảm phi thường và thái độ cầu thị khoa học hiếm có. Trong suốt 70 năm, với hàng ngàn tuần lễ, lịch làm việc của ông không hề thay đổi. Ban ngày, tại phòng khám, tiếp xúc với hàng chục bệnh nhân tâm thần, tập trung chú ý lắng nghe và quan sát, cân nhắc những lời nói, hành vi của họ. Đêm đến, phân tích, sàng lọc và tinh luyện các sự kiện thu được ban ngày, để từ đó xây dựng nên học thuyết của mình mà không có người giúp việc. Ngoài ra, mỗi tuần một buổi diễn thuyết tại trường đại học và một buổi hội thảo chuyên đề. Khi lần đầu tiên công bố kết quả nghiên cứu về phương pháp chữa bệnh thần kinh bằng phương pháp thôi miên với các đồng nghiệp năm 1896, ông nhận được thái độ thờ ơ, lạnh nhạt của mọi người. Từ đó, ông lao động và sáng tạo cô đơn trong sự gièm pha, đàm tiếu và gây khó dễ của giới thượng lưu, thậm chí của đồng nghiệp và sự chèn ép của chủ nghĩa bài Do Thái đương thời. Tất cả những điều đó đã không ngăn cản được ông, không làm ông chùn bước trên con đường đã chọn và ông đã đạt đến bến bờ vinh quang.
Lời kết:
Trần Toàn Psy mong sẽ giúp các bạn có thể biết thêm về Tâm Lý học, chúc bạn có một ngày thật tích cực <3.
(Nguồn: Giáo Trình Các Lý Thuyết Phát Triển Tâm Lý Người – Phan Trọng Ngọ)