Jean Piaget (1896 – 1980).
Jean Piaget sinh ngày 09/8/1896 tại Neuchâtel – Thụy Sĩ, trong một gia đình trí thức danh tiếng. Từ nhỏ ông đã bộc lộ thiên tư trí tuệ tuyệt vời, xuất chúng. Năm 10 tuổi, ông đã công bố bài báo khoa học đầu tiên của mình, mô tả các quan sát về một con chim sẻ bạch tạng quý hiếm. 15 tuổi, J. Piaget đã bộc lộ rõ xu hướng nghiên cứu sinh học và đã công bố những bài báo khoa học, nghiên cứu về động vật có vỏ.
Năm 18 tuổi, J. Piaget đỗ cử nhân và năm 1918, J. Piaget hoàn thành luận án Tiến sĩ thuộc lĩnh vực động vật học, tại Viện Đại học Neuchâtel, với đề tài “Sự thích ứng của loài nhuyễn thể”. Trong thời gian này, ông đã công bố 25 công trình nghiên cứu sự sinh trưởng, thích nghi của loài sò quanh hồ Neuchâtel. Những kiến thức sinh học và ấn tượng về sự thích nghi của loài sò ốc đã hình thành trong ông các khái niệm cơ bản để nghiên cứu sự phát triển trí năng của trẻ em sau này.
Ngoài sinh học, mối quan tâm thứ hai của ông là Khoa học luận (Epistemology) – một ngành triết học đề cập đến nguồn gốc phát sinh của hiểu biết, ông nuôi hy vọng táo bạo là có thể hợp nhất hai vấn đề mà ông quan tâm. Vào thời điểm đó, ông cảm thấy, tâm lý học chính là câu trả lời. Ông chuyển đến Paris và dành ra hai năm để học Tâm lý học lâm sàng, Logic và Triết lý khoa học tại Sorbonne. Trong thời gian ở Paris, J. Piaget được đề nghị đảm trách công việc chuẩn hóa những trắc nghiệm trí thông minh tại phòng thí nghiệm của A. Binet. Điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến xu hướng nghề nghiệp của ông. ). Piaget sớm nhận thấy và quan tâm nhiều hơn đến những câu trả lời sai của trẻ so với các kết quả trắc nghiệm. Ông nghĩ rằng, dường như trẻ em cùng độ tuổi thường mắc phải những loại “câu trả lời sai” giống nhau đối với một số câu hỏi nhất định. Vậy tại sao? J. Piaget tiếp tục tìm hiểu về những nhận thức sai lệch của trẻ bằng phương pháp lâm sàng mà ông đã học được trước đây, khi còn làm việc trong một bệnh viện tâm thần thực hành. Không lâu sau, ông lại phát hiện ra rằng, trẻ ở những độ tuổi khác nhau, thường có những loại câu trả lời sai khác nhau và ông đi đến kết luận: trí tuệ phải là một thuộc tính đa diện. Những đứa trẻ lớn tuổi hơn không chỉ đơn giản là thông minh hơn những đứa trẻ ít tuổi mà quá trình suy nghĩ của chúng cũng hoàn toàn khác. Những phát hiện này đã cuốn hút J. Piaget và ông cố gắng xác định xem trẻ tiến triển từ phương thức (hay giai đoạn) suy nghĩ này sang phương thức suy nghĩ khác như thế nào. Việc nghiên cứu của ông còn tiếp tục khoảng 60 năm nữa, cho đến khi ông mất vào năm 1980.
Năm 1921 (25 tuổi), theo đề nghị của Giáo sư Claparède – Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, ông chuyển từ Paris về Genève để đảm nhận chức Trưởng phòng tâm lý thực nghiệm. Năm 1925, ông nhận chức Giáo sư Đại học Neuchâtel, dạy bao cả ba ngành: Tâm lý học, Xã hội học và Triết học. Năm 1929, được bổ nhiệm Giáo sư Đại học Genève về môn Lịch sử tư tưởng khoa học, Giám đốc Trung tâm giáo dục quốc tế của UNESCO và ở cương vị này cho tới năm về hưu (1972). Năm 1933 là Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Thụy Sĩ tại Genève. Năm 1940, Giáo sư Tâm lý thực nghiệm và năm 1952 là Giáo sư Trường Đại học Sorbonne, Paris.

Đại học Neuchâtel, Thụy Sĩ.
Trong suốt những năm từ 1921 đến 1940, mối quan tâm chủ yếu của J. Piaget là lĩnh vực tâm lý học, đặc biệt là sự phát sinh nhận thức và trí tuệ của trẻ em. Trong thời gian này, nhiều công trình đã được ông công bố: Ngôn ngữ và tư duy của trẻ (1923), Mệnh đề và kết luận của trẻ (1924), Biểu tượng về thế giới của trẻ (1926),… Những nghiên cứu về lĩnh vực trên được ông tập hợp trong hai công trình nổi tiếng: Tâm lý học trí tuệ (1946) và Tâm lý học trẻ em (1966).
Từ năm 1940, J. Piaget chuyển dần lĩnh vực nghiên cứu từ tâm lý trẻ em sang Logic học và Khoa học luận. Từ năm 1950 chuyển hẳn sang lĩnh vực này, đặc biệt là nghiên cứu quá trình phát triển tư duy con người. Năm 1956, ông thành lập ở Genève Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về nhận thức luận khoa học (Centre international d’ épistemologie Scientifique), với sự tham gia của nhiều nhà bác học lớn đương thời như Albert Einstein (Vật 1), B. Grixe (Toán và Logic), W. McCulloch (Sinh học thần kinh),…
Ngay từ những năm 1935 – 1965 J. Piaget đã quan tâm tới việc vận dụng kết quả nghiên cứu tâm lý học trẻ em vào các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, đặc biệt là vào phương pháp giáo dục trẻ em. Ông đã phân tích và phê phán hạn chế của phương pháp giáo dục cổ truyền, quảng bá các phương pháp giáo dục mới, trong đó để cao vai trò của phương pháp hoạt động trong dạy học. Coi đó là phương pháp mang lại hiệu quả hơn hẳn những phương pháp đương thời. Các tác phẩm: Giáo dục đang đi về đâu? (1948), Tâm lý học và giáo dục học (1969) phản ánh khá rõ trăn trở và tư tưởng đổi mới của J.Piaget trong lĩnh vực của ông đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự.
Piaget là người lao động không mệt mỏi. Suốt cuộc đời, ông quan sát, thử nghiệm, tích lũy khối lượng khổng lồ dữ kiện về sự phát triển tâm lý trẻ em. Hằng năm, khi kết thúc năm học, ông mang tài liệu thu thập được đến một trang trại vắng người, dưới chân núi Alpea. Ở đó, cả mùa hè, ông không tiếp xúc với khách, miệt mài phân tích, tổng hợp tư liệu, hình thành nên các tác phẩm khoa học. Trong suốt 70 năm làm việc, J. Piaget đã công bố hàng trăm cuốn sách và bài viết về các lĩnh vực Sinh học, Tâm lý học, Ngôn ngữ, Logic… trong hệ thống lý thuyết liên bộ môn đồ sộ. J. Piaget mất ngày 16/9/1980 tại Genève.
Sinh thời, J. Piaget được kính trọng trên khắp thế giới. Ông là giáo sư của nhiều trường đại học lớn ở Pháp và Thuỵ Sĩ. Giám đốc phòng thực nghiệm, phụ trách Văn phòng Quốc tế về giáo dục, Uỷ viên Hội đồng chấp hành của UNESCO, Viện sĩ và Tiến sĩ danh dự của nhiều trường Đại học, Viện hàn lâm danh tiếng: Harvard (1936), Columbia (1970), Bruxelles (1940), Brazil (1949). Piaget là nhà bác học đa lĩnh vực: Bắt đầu từ Sinh học, sang Tâm lý học đến Nhận thức luận, trong lĩnh vực nào ông cũng có nhiều cống hiến lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực Tâm lý học trẻ em.
Những công trình về lĩnh vực này của ông uyên bác đến mức trong diễn văn khai mạc Hội nghị Tâm lý học thế giới lần thứ 21, năm 1976, Chủ tịch Hội Tâm lý học thế giới, nhà tâm lý học Pháp Paul Praisse đã phát biểu:
“Từ đây cho tới cuối thế kỉ, tôi e rằng tâm lý học thế giới chỉ việc khai thác riêng các ý tưởng của J. Piaget thì cũng không làm sao hết được”.
Lời kết:
Sự thực đã và đang chứng minh nhận định trên về các công trình của J. Piaget trong lĩnh vực phát triển tâm lý trẻ em. J.Piaget là nhà bác học về trẻ em và vì trẻ thơ, ông là người hạnh phúc. Trần Toàn Psy mong đã giúp các bạn có thể biết thêm về Tâm Lý học, chúc bạn có một ngày thật tích cực <3.
(Nguồn: Giáo Trình Các Lý Thuyết Phát Triển Tâm Lý Người – Phan Trọng Ngọ)