Table of Contents
Tóm lượt
Jean Piaget (1896 – 1980) là một nhà tâm lý học và triết học người Thuỵ Sĩ, thành tựu của ông đã góp phần rất lớn trong lĩnh vực tâm lý học Phát triển nói riêng và Tâm lý học nói chung. Ông nhận thấy trẻ em ở cùng lứa tuổi thường có những lỗi ứng xử tương tự nhau, thường mắc các lỗi cùng loại khi giải quyết cùng một vấn đề. Ông cho rằng sở dĩ như vậy vì sự phát triển nhận thức, trí tuệ của trẻ em phát triển lần lượt qua các mức độ từ thấp lên cao, tạo thành các giai đoạn phát triển được xem là phổ biến đối với mọi cá thể. Sự khác biệt đối với mỗi cá nhân chỉ có thể là vận tốc mà cá nhân có thể vượt qua từng giai đoạn và mức phát triển đạt được ở chung cuộc. Hãy cùng Trần Toàn Psy tìm hiểu nhé!
Piaget phân chia quá trình phát triển trí tuệ trẻ em thành 4 giai đoạn: giác động, tiền thao tác, thao tác cụ thể, thao tác hình thức.
Giai đoạn giác động (0 – 2 tuổi)
Lúc mới sinh, hệ thống nhận thức của trẻ chỉ giới hạn ở các phản xạ vận động. Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài tháng trẻ đã dựa trên những phản xạ này để phát triển các hành vi phức tạp hơn. Trẻ lặp đi lặp lại các hành vi ban đầu một cách có hệ thống, biết ứng dụng hành vi của mình vào nhiều tình huống hơn và phối hợp chúng vào một chuỗi hành vi ngày càng dài.
Trẻ em sơ sinh nhận biết được thế giới thông qua những cử động và các cảm giác vận động, tìm hiểu về thế giới thông qua các trải nghiệm của cảm giác vận động và qua việc thao tác trên đồ vật, qua những hành động cơ bản như là: bú, mút, nắm, bắt, nhìn ngắm, và lắng nghe. Nếu ta cho trẻ tiếp xúc với những đồ vật an toàn và sinh động, trẻ có thể phát triển khả năng vận động và tính chính xác của các cảm giác trong trẻ (Ví dụ: treo đồ chơi trên nôi thì trẻ sẽ với lấy).

Hệ thống nhận thức của trẻ chỉ giới hạn ở các phản xạ vận động.
Người mẹ ở giai đoạn này đóng vai trò hết sức quan trọng với trẻ vì những người thường xuyên xuất hiện trước mặt trẻ, yêu thương và âu yếm trẻ thì sẽ để lại ấn tượng khiến trẻ nhớ đến, ngược lại, trẻ sẽ không biết đến sự tồn tại của những người không tiếp xúc thường xuyên với trẻ.
Trong quá trình giúp đỡ trẻ khám phá, cần đảm bảo những đồ vật trẻ tiếp xúc phải hợp vệ sinh vì trẻ sẽ có thói quen đưa đồ vật vào miệng hoặc mút ngón tay, cũng cần loại bỏ các tác nhân có thể gây nguy hiểm cho trẻ như các vật sắc nhọn, dễ vỡ, nguồn điện hay các vật có tính chuyển động với tốc độ lớn, vật có nhiệt độ cao…
Đến 1,5 tuổi, ở trẻ sẽ xuất hiện những hoạt động nhận thức lý tính như ghi nhớ, bắt chước ➔ Người lớn cần chú ý đến hành vi và lời nói của mình vì chúng sẽ được lặp lại bởi trẻ nhỏ.
Giai đoạn tiền thao tác (2 – 6,7 tuổi)
Trẻ ở giai đoạn này hình thành được một thế giới biểu tượng, có chức năng đại diện cho những sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan: hình ảnh tinh thần, kinh nghiệm, và đặc biệt là ngôn ngữ.
Trẻ trong giai đoạn này từ vựng tăng rất nhanh, ngữ pháp được củng cố, khả năng xây dựng câu phát triển mạnh ➔ Người lớn cần nói chuyện, cho trẻ nghe nhạc, đọc truyện cho trẻ nghe để phát triển vốn từ và câu ở trẻ. Đây cũng là giai đoạn thích hợp để khởi sự việc tiếp xúc với ngoại ngữ (phổ biến là tiếng Anh) bằng những phương pháp khoa học như cho trẻ nghe nhạc bằng ngoại ngữ, học từ vựng bằng tranh ảnh, xem phim…
Trẻ thời kì này mới chỉ có thể sử dụng các biểu tượng để nhìn thế giới bên ngoài với góc nhìn riêng của chúng ➔ Trẻ có xu hướng coi mình là trung tâm và khó khăn với việc nhìn nhận sự việc từ góc nhìn của người khác. Khả năng tập trung chú ý của trẻ còn hạn hẹp, thường bỏ qua những thông tin quan trọng. Trẻ cho rằng người lớn sẽ thấy những gì trẻ thấy, nghe những gì trẻ nghe, trải qua những gì trẻ trải qua và hiểu những gì trẻ hiểu và luôn cho rằng suy nghĩ và hành động của mình là chính xác nhất.

Trẻ ở giai đoạn này hình thành được một thế giới biểu tượng.
Trẻ còn có những suy nghĩ không có tính logic, còn ít nhận thức được những vấn đề xã hội phức tạp. Ví dụ:
- Trẻ vẽ hình lên tường với mong muốn tường sẽ “đẹp” hơn nhưng bị mẹ phạt, trẻ sẽ không hiểu tại sao trẻ bị phạt nếu như mẹ không giải thích cho trẻ hiểu rằng làm như vậy là không đúng, không đúng chỗ nào…
- Một cậu bé đánh vỡ 15 cái chén khi giúp mẹ dọn bàn được coi như là có lỗi hơn là một cậu bé chỉ đánh vỡ một cái chén trong khi định ăn cắp bánh quy để trên giá.
- Nếu khối gỗ A lớn hơn khối gỗ B, khối gỗ B lớn hơn khối gỗ C, trẻ sẽ không suy luận được khối gỗ A lớn hơn khối gỗ C khi không đem chúng ra so sánh trực tiếp.
Người lớn trong giai đoạn này cần kiên trì trong mối quan hệ với trẻ, cần hiểu rằng trẻ làm vậy là vì trẻ có lý do của trẻ và trẻ cho rằng nó luôn đúng. Cần trò truyện để hiểu trẻ nhiều hơn và tìm ra nguyên nhân chính yếu khiến trẻ thực hiện các hành động không đúng, sau đó hướng trẻ đến các cách làm tốt hơn. Ví dụ, trẻ trai sẽ thường hay có những hành vi mạnh mẽ, hay đánh đấm túi bụi, leo lên cao nhảy xuống hay chạy vòng khắp nhà với một thanh gỗ dài và quấn khăn quanh cổ… Trẻ sẽ cho rằng làm vậy trẻ sẽ giống một siêu nhân hay một anh hùng hơn.
Phụ huynh cần cho trẻ biết rằng nếu muốn mình giống một anh hùng, trẻ phải ăn uống đầy đủ để thể lực tốt hơn, biết vâng lời người lớn hoặc biết cách giúp đỡ khi người lớn cần… Cũng không nên chê bai trẻ bởi những suy nghĩ không có tính logic trừu tượng.

Trẻ ở giai đoạn này hình thành được một thế giới biểu tượng, có chức năng đại diện cho những sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan: hình ảnh tinh thần, kinh nghiệm, và đặc biệt là ngôn ngữ.
Trẻ chưa hiểu được khái niệm bảo toàn, tức là chưa hiểu được rằng sự thay đổi hình dáng bên ngoài không làm ảnh hưởng đến bản chất bên trong. VD: Đổ lượng nước có thể tích bằng nhau vào trong 2 chiếc bình có hình dạng khác nhau. Một bình có đường kính 5cm, cao 10cm và một bình có đường kính 10cm, cao 5cm. Đa số trẻ sẽ trả lời chiếc bình có mức nước cao hơn sẽ nhiều nước hơn chứ không hiểu được là chúng có thể tích giống nhau.
Giai đoạn thao tác cụ thể (6,7 – 11,12 tuổi)
Tất cả trẻ em ở giai đoạn này đều có khả năng nhìn thế giới từ những góc nhìn khác nhau ➔ Trẻ hiểu được khái niệm bảo toàn, hiểu được rằng sự biến đổi vị trí và hình dáng của vật không làm ảnh hưởng đến khối lượng của vật. Trẻ vẫn không thể xem xét hết tất cả các trường hợp có thể xảy ra và cũng không hiểu được các khái niệm trừu tượng.
Trẻ biết đến những giá trị thật của các con số, ổn định các khái niệm về độ dài, diện tích, thể tích… trẻ có thể so sánh sự lớn bé của các số có nhiều chữ số.

Trẻ hiểu được khái niệm bảo toàn, hiểu được rằng sự biến đổi vị trí và hình dáng của vật không làm ảnh hưởng đến khối lượng của vật.
Việc cho mình là trung tâm của giai đoạn trước đó bắt đầu dần biến mất vì các em đang dần tốt hơn trong việc hiểu được cách mà mọi người có thể nhìn nhận về một tình huống. Trẻ em ở giai đoạn này cũng dần hiểu được rằng suy nghĩ của mình là duy nhất đối với bản thân mình và không phải ai cũng cần thiết chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc hay ý kiến.
Giảng dạy một cách trực quan sinh động đối với trẻ trong giai đoạn này là vô cùng cần thiết, cần hơn so với việc hình thành những phép biến đổi trừu tượng. Tuy nhiên, lượng kiến thức để dạy cho trẻ cũng cần có sự cân đối chứ không nên nhồi nhét tràn lan.
Giai đoạn thao tác hình thức (11,12 tuổi trở đi)
Trẻ trong giai đoạn này đã có khả năng giải quyết nhiều kiểu vấn đề vốn là không thể đối với trẻ em ở các mức độ thấp hơn. Piaget nhận thấy một số kiến thức cụ thể, niềm tin hay sự thừa nhận vẫn còn tiếp tục thay đổi nhưng ông vẫn cho rằng cách lập luận cơ bản của giai đoạn thao tác hình thức đủ mạnh để con người có thể tồn tại suốt đời.

Trẻ trong giai đoạn này đã có khả năng giải quyết nhiều kiểu vấn đề vốn là không thể đối với trẻ em ở các mức độ thấp hơn.
Đây là khoảng thời gian thích hợp để rèn luyện nhân cách song song với việc tìm hiểu các ngành khoa học cơ bản. Có thể tưởng tượng được vũ trụ hay có những mường tượng cụ thể về năm ánh sáng, có thể tính toán đến số thập phân thứ 3, biết sự quang hợp của cây cối quan trọng như thế nào và chứng minh được điều đó, có thể suy nghĩ và tính toán trong đầu những con số lớn mà không cần đến hiện thân của những con số đó ngoài đời thực, rút ra kết luận chỉ bởi giả thuyết. Các em có thể suy diễn ra được những gì sẽ xảy ra sau mỗi hành động hay những mối quan hệ xã hội phức tạp, bắt đầu nhận thức rõ ràng về sự mâu thuẫn trong những mối quan hệ (nếu có).
Học sinh trong giai đoạn này thường tò mò về các sự vật, hiện tượng và có xu hướng khám phá, giải quyết chúng. Các em sẽ tự phát sinh các hành động và suy nghĩ đôi khi không có nguyên nhân. Điều này lí giải cho việc học sinh THCS thường năng động và nghịch ngợm hơn.
Kết luận:
Thuyết phát sinh nhận thức của Piaget là thuyết đầu tiên đề cập đến quá trình bên trong của tư duy của con người. Là nền tảng cho những nhà Tâm lý học sau nghiên cứu sâu hơn về quá trình phát triển nhận thức của trẻ, các giai đoạn phát triển theo trình tự từ thấp đến cao, không để đạt được bậc cao hơn nếu chưa hoàn thành được giai đoạn trước đó. Thể hiện được sự hiệu quả của phương pháp quan sát trong nghiên cứu khoa học. Đồng thời nhấn mạnh được tầm quan trong trong sự “tự khám phá của trẻ”. Nhưng nhược điểm của thuyết này không nhắc đến được tầm quan trọng của nền văn hóa, giới tính, động cơ trong khả năng học tập, phát triển của trẻ.