Hội chứng Munchausen là gì?

by Toàn Trần
Munchausen

Hội chứng Munchausen: Khi nhu cầu cần được quan tâm bị biến chất.

Hội chứng Munchausen là một rối loạn tâm thần phức tạp hiếm gặp, trong đó người mắc giả vờ hoặc cố ý gây ra bệnh tật cho bản thân để thu hút sự chú ý hoặc nhận được sự quan tâm từ người khác. Điểm cốt lõi của hội chứng này là việc người mắc cố ý giả mạo, tạo ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh tật hoặc thương tích ở bản thân. Động cơ thúc đẩy hành vi này chủ yếu là nhằm thu hút sự chú ý, lòng thương cảm và sự quan tâm chăm sóc từ người khác.
Nhưng cần phân biệt rõ Hội chứng Munchausen với việc giả vờ bệnh để trốn tránh công việc hoặc trục lợi. Ở Hội chứng Munchausen, nhu cầu được quan tâm và ở trong vai trò “người bệnh” là động lực chính, mang tính chất tâm lý sâu sắc.

Ví dụ về Hội chứng Munchausen

Người mắc hội chứng Munchausen có thể:

  • Giả vờ có triệu chứng bệnh như đau đầu, đau bụng hoặc khó thở để được nhập viện.
  • Tự gây thương tích như uống thuốc quá liều, làm tổn thương da hoặc tiêm chất độc hại vào cơ thể.
  • Giả mạo kết quả xét nghiệm để đánh lừa bác sĩ, như làm giả bệnh phẩm, hoặc thậm chí hồ sơ y tế và có thể thường xuyên chuyển bệnh viện để tránh bị phát hiện.

    Hội chứng Munchausen là gì?

    bệnh nhân thậm chí có kiến thức y khoa tốt và có thể mô tả triệu chứng rất chi tiết.

Một số bệnh nhân thậm chí có kiến thức y khoa tốt và có thể mô tả triệu chứng rất chi tiết, khiến bác sĩ khó phát hiện họ đang giả vờ.

Triệu chứng của Hội chứng Munchausen

Thường xuyên có bệnh với kịch bản đa dạng

  • Liên tục than phiền về các triệu chứng không xác định. Ví dụ như: khó thở, đau đầu,…
  • Không đáp ứng với phương pháp điều trị thông thường vì các triệu chứng thường mơ hồ và không có nguyên nhân y tế rõ ràng.

Có tiền sử y tế cực kỳ phức tạp

  • Đã trải qua nhiều xét nghiệm, nhiều lần nhập viện, phẫu thuật hoặc điều trị nhưng không có chẩn đoán rõ ràng.
  • Luôn có các câu chuyện khác nhau về bệnh tật của mình.

    Hội chứng Munchausen là gì?

    Không có chẩn đoán rõ ràng

Luôn muốn được chăm sóc

  • Tìm kiếm sự chú ý từ bác sĩ, y tá và những người xung quanh.
  • Thích cảm giác được nằm viện và chăm sóc đặc biệt.

Phản ứng tiêu cực khi về tình trạng sức khỏe

  • Tự gây thương tích hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
  • Không chấp nhận kết quả kiểm tra nếu bác sĩ nói rằng họ không mắc bệnh. Ví dụ: họ sẽ phủ nhận kết quả, thậm chí tức giận và đổi lỗi cho người khác.

Nguyên nhân dẫn đến Hội chứng Munchausen

Dù nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định, nhưng một số yếu tố có thể góp phần gây ra hội chứng này, bao gồm:

  • Chấn thương tâm lý thời thơ ấu, như bị bỏ rơi hoặc lạm dụng. Ví dụ: bị bỏ rơi, lạm dụng (thể chất, tinh thần, tình dục), mất mát người thân hoặc trải qua những biến cố đau buồn khác có thể gây ra những tổn thương sâu sắc về mặt cảm xúc và ảnh hưởng đến cách một người tìm kiếm sự kết nối và quan tâm trong tương lai.
  • Khao khát sự quan tâm, chăm sóc từ người khác. Ví dụ: họ cảm thấy thiếu thốn tình cảm, bị cô lập hoặc không được chú ý có thể vô thức tìm kiếm sự quan tâm thông qua vai trò “người bệnh”.

    Munchausen

    Họ cảm thấy thiếu thốn tình cảm, bị cô lập

  • Từng có trải nghiệm bệnh lý nghiêm trọng khi còn nhỏ. Từ đó,  tạo ra một “mô hình” về cách nhận được sự chăm sóc và quan tâm, và họ có thể tái hiện lại điều này một cách bệnh hoạn.
  • Rối loạn nhân cách, đặc biệt là rối loạn nhân cách ái kỷ hoặc rối loạn nhân cách chống đối xã hội.
  • Yếu tố sinh học: Các nghiên cứu về não bộ và di truyền có thể đóng vai trò, nhưng hiện tại chưa có bằng chứng rõ ràng.

Chẩn đoán theo DSM-V

Hội chứng Munchausen được xếp vào nhóm Rối loạn giả bệnh lên bản thân trong DSM-V, với các tiêu chí chẩn đoán gồm:

  • Giả mạo hoặc tự gây ra triệu chứng bệnh tật hoặc chấn thương.
  • Hành vi giả bệnh không có động cơ bên ngoài rõ ràng, Không phải vì tiền bạc, hay pháp lý,..
  • Hành vi vẫn tiếp diễn ngay cả khi bị bác sĩ nghi ngờ hoặc phát hiện. Và hành vi này không được giải thích rõ hơn bởi một rối loạn tâm thần khác, chẳng hạn như rối loạn hoang tưởng hoặc rối loạn dạng cơ thể.

Liệu pháp điều trị

Liệu pháp tâm lý

  • Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT) giúp bệnh nhân nhận diện và điều chỉnh suy nghĩ sai lệch liên quan đến bệnh tật và nhu cầu được quan tâm.
  • Liệu pháp tâm động học: Khám phá những xung đột tâm lý sâu sắc và những tổn thương trong quá khứ có thể góp phần gây ra hội chứng.
  • Liệu pháp tập trung vào lòng trắc ẩn (Compassion-Focused Therapy): Giúp người bệnh phát triển lòng trắc ẩn đối với bản thân và giảm bớt nhu cầu tìm kiếm sự chú ý bằng cách tiêu cực.

Can thiệp y tế

  • Bác sĩ cần xác định rõ ràng xem bệnh nhân có thực sự mắc bệnh hay không. Việc xây dựng mối quan hệ tin tưởng với một bác sĩ chủ chốt có thể hữu ích.
  • Tránh tiến hành các xét nghiệm hoặc thủ thuật không cần thiết.

Liệu pháp hỗ trợ gia đình

  • Hướng dẫn gia đình cách xử lý và phản ứng phù hợp với hành vi của bệnh nhân.
  • Tránh củng cố hành vi giả bệnh bằng cách không dành quá nhiều sự chú ý khi bệnh nhân nói về triệu chứng.

Dược lý trị liệu

Thuốc có thể được sử dụng để điều trị các rối loạn tâm thần đi kèm (như lo âu, trầm cảm), nhưng không có thuốc đặc trị cho Hội chứng Munchausen.

Việc điều trị Hội chứng Munchausen rất khó khăn do người bệnh thường thiếu nhận thức về vấn đề của mình và kiên quyết phủ nhận rằng họ đang giả bệnh. Họ thường không hợp tác với các liệu pháp tâm lý, và mục tiêu chính của điều trị:

  • Giảm thiểu hành vi tự gây hại và lạm dụng hệ thống y tế.
  • Giải quyết các vấn đề tâm lý tiềm ẩn (nếu có thể).
  • Cải thiện chất lượng cuộc sống và các mối quan hệ của người bệnh.

Kết luận

Hội chứng Munchausen là một rối loạn phức tạp, đòi hỏi sự can thiệp từ chuyên gia tâm lý và bác sĩ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tâm lý. Việc nâng cao nhận thức về hội chứng này sẽ giúp giảm thiểu những trường hợp không cần thiết phải chịu đau đớn từ những hành vi tự gây bệnh.

Trần Toàn Psy hy vọng bài viết này giúp bạn hiểu rõ hơn về Hội chứng Munchausen và có cái nhìn đúng đắn về cách đối phó với nó. Chúc bạn một ngày tràn đầy năng lượng và tích cực!

You may also like

Leave a Comment