Alfred W. Adler (1870 – 1937).
Alfred W. Adler là một bác sĩ, chuyên gia tâm thần học, người sáng lập trường phái tâm lý học cá nhân. Sự nhấn mạnh của ông về tầm quan trọng của những cảm giác bị thấp kém – phức cảm tự ti – được công nhận là đã cô lập được một yếu tố đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nhân cách.
Alfred Adler sinh ra trong một gia đình khá giả tại một thành phố nhỏ ngoại ô thành phố Viên. Những năm tháng tuổi thơ của ông đặc trưng bởi những cần bệnh thường xuyên, lòng hận thù đối với người anh trai và hoàn toàn không được chấp nhận từ phía người mẹ. Ông cảm thấy gần gũi với bố nhiều hơn là với mẹ, chính vì thế, cũng như Jung, sau đó ông không chấp nhận khái niệm mặc cảm Oedipus của Freud, bởi vì, chính ông thời bé đã không trải nghiệm nó. Khi còn bé ông đã mất rất nhiều công sức để giành được sự thừa nhận và sự nổi tiếng trong đám trẻ cùng lứa. Khi lớn hơn, ông đã tự đánh giá rất cao và cũng đã được những người xung quanh đánh giá xứng đáng, điều mà ông đã không có được trong chính gia đình của mình.
Ban đầu, Adler là một học sinh yếu kém tới mức mà theo ý kiến của thầy giáo, trong tương lai ông chỉ có thể hi vọng làm thợ đánh giày. Tuy nhiên, nhờ sự cần mẫn và kiên trì, ông đã trở thành một trong những học sinh đứng đầu của lớp. Ông đã khắc phục rất nhiều khiếm khuyết về kiến thức và xã hội, đã khắc phục những mặc cảm của mình, vì thế tự ông hoàn toàn có thể được coi là bằng chứng mang tính hợp tuyển của chính lý thuyết của bản thân được ông xây dựng sau này. Trong sự phát triển nhân cách, sự bù trừ của những điểm yếu và những khiếm khuyết cá nhân có vai trò quan trọng. Cảm giác tự ti, là cơ sở của hệ thống lý luận của ông, là di sản trực tiếp của những năm tháng tuổi thơ, đã được chính Adler sẵn sàng thừa nhận.
Khi lên 4 tuổi, khó khăn lắm mới thoát khỏi sự đe dọa đến tính mạng của căn bệnh viêm phổi, Adler đã quyết định sẽ trở thành bác sĩ. Ông đã theo học ngành y và nhận được học vị khoa học đầu tiên của mình tại Trường Đại học Tổng hợp Vienne, vào năm 1895. Sau khi được phân vào học nhãn khoa và trải qua đợt thực tập về y học đại cương, ông đã chuyển sang nghiên cứu tâm thần học. Năm 1902, Adler đã tham gia vào những hội nghị hàng tuần của nhóm thảo luận về phân tâm học với tư cách là một trong bốn nhà sáng lập. Mặc dù ông đã từng là cộng sự gần gũi của Freud, nhưng những mối quan hệ cá nhân giữa họ đã không hình thành. Freud một lần thậm chí còn nhận xét về Adler như là một kẻ chán ngắt.
Vài năm sau đó, Adler đã phát triển phương án phân tâm của mình, khác căn bản với hệ thống Freud về rất nhiều điểm. Ông cũng tự cho phép công khai đả kích Freud vì đã đánh giá quá mức vai trò của các yếu tố tính dục. Năm 1910, Freud đã đề cử Adler tranh cử Chủ tịch Hội Phân tâm học thành phố Viên, có lẽ là để xoa dịu những bất đồng vốn có giữa họ. Tuy nhiên, năm 1911, sự chia tay không tránh khỏi đã xảy ra. Một sự chia tay khá ảm đạm.
Vào thời gian Chiến tranh thế giới thứ nhất, Adler làm bác sĩ trong quân đội Áo. Sau đó, ông thành lập phòng khám bệnh trẻ em trong khuôn khổ của hệ thống nhà trường thành phố Viên. Vào những năm 20, lý thuyết Tâm lí – xã hội của ông, mà ông tự gọi là Tâm lý học cá biệt, đã thu hút số lượng lớn các môn sinh. Năm 1926, Adler đã vài lần đi thăm Mỹ, sau đó 8 năm ông nhận lời mời làm Giáo sư Tâm lý y học Trường Đại học Y khoa Long Island ở New York. Ông mất tại Aberdeen (Scotland) trong chuyến đi giảng dạy căng thẳng.
Lời kết:
Trần Toàn Psy mong sẽ giúp các bạn có thể biết thêm về Tâm Lý học, chúc bạn có một ngày thật tích cực <3.
(Nguồn: Giáo Trình Các Lý Thuyết Phát Triển Tâm Lý Người – Phan Trọng Ngọ)