Hội chứng Capgras: Khi người thân của mình trở thành “kẻ mạo danh”?

by Toàn Trần
Hội chứng Capgras: Khi người thân của mình trở thành "kẻ mạo danh"?

Hội chứng Capgras: Khi người thân của mình trở thành “kẻ mạo danh”

Hội chứng Capgras là một rối loạn nhận thức hiếm gặp, trong đó người mắc tin rằng một người thân thiết với họ đã bị thay thế bởi một kẻ mạo danh trông giống hệt. Điều này có thể gây ra cảm giác lo lắng, sợ hãi hoặc thậm chí thù địch với người mà họ từng yêu thương. Hội chứng Capgras thường liên quan đến các bệnh lý thần kinh và tâm thần như tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ hoặc tổn thương não.

Vì hội chứng này là một rối loạn hiếm gặp, nên việc thu thập dữ liệu thống kê chính xác trở nên khó khăn nên không có tỉ lệ xác định chính xác. Cùng Trần Toàn Psy tìm hiểu trong bài viết sau.

Ví dụ về Hội chứng Capgras

Hội chứng Capgras có thể xuất hiện trong nhiều tình huống khác nhau, chẳng hạn như:

  • Một người tin rằng vợ/chồng hoặc con cái của họ đã bị thay thế bởi một người giả mạo.
  • Bệnh nhân có thể không nhận ra chính mình khi soi gương.
  • Họ có thể nghĩ rằng một nơi quen thuộc (như nhà ở) đã bị thay thế bởi một bản sao.

    Hoi chung capgras 1

    Họ có thể nghĩ rằng một nơi quen thuộc đã bị thay thế bởi một bản sao vì Hội chúng Capgras.

Một trường hợp điển hình là một bệnh nhân tin rằng mẹ mình đã bị thay thế bởi một kẻ giả mạo, dù ngoại hình và giọng nói vẫn y hệt. Điều này khiến họ từ chối giao tiếp với mẹ hoặc có hành vi chống đối.

Triệu chứng

Hội chứng Capgras thường thể hiện qua các dấu hiệu sau:

Ảo tưởng về kẻ mạo danh

  • Người mắc tin rằng một người thân thiết đã bị thay thế bởi một bản sao giả mạo.
  • Sự nhận diện sai lệch này có thể áp dụng với người, vật nuôi, hoặc địa điểm quen thuộc.

Mất kết nối cảm xúc với người quen

  • Dù nhận diện được khuôn mặt và giọng nói của người thân, họ vẫn cảm thấy xa lạ.
  • Không có cảm giác thân thuộc như trước đây.

Hành vi hoang tưởng và đề phòng

  • Tránh tiếp xúc với “người giả mạo”, có thể tỏ thái độ sợ hãi hoặc tức giận.
  • Một số bệnh nhân có thể trở nên hung hăng để bảo vệ bản thân khỏi “kẻ mạo danh”.

Nguyên nhân dẫn đến Hội chứng Capgras

Hội chứng Capgras có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau:

  • Tổn thương não: Thường gặp ở bệnh nhân bị chấn thương sọ não, đột quỵ hoặc sa sút trí tuệ.
  • Rối loạn tâm thần: Chủ yếu xảy ra ở người bị tâm thần phân liệt, rối loạn hoang tưởng hoặc rối loạn lưỡng cực.
  • Vấn đề về xử lý thị giác và cảm xúc: Sự gián đoạn giữa vùng não nhận diện khuôn mặt và vùng cảm xúc có thể dẫn đến cảm giác xa lạ với người quen thuộc.

Chẩn đoán

Hội chứng Capgras không được phân loại là một rối loạn riêng biệt trong DSM-V (Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, phiên bản thứ 5) hoặc ICD-10 (Phân loại Thống kê Quốc tế về Bệnh tật và các Vấn đề Sức khỏe Liên quan, phiên bản thứ 10). Nó thường được coi là một triệu chứng liên quan đến các rối loạn tâm thần khác như:

  • Tâm thần phân liệt: thường xuất hiện ở những người mắc dạng hoang tưởng.
  • Rối loạn thần kinh nhận thức: tổn thương não, sa sút trí tuệ, Alzheimer,..
  • Hoặc cũng có thể là một biểu hiện của rối loạn hoang tưởng.

Liệu pháp điều trị

Việc điều trị Hội chứng Capgras thường tập trung vào kiểm soát triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống:

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)

  • Giúp bệnh nhân nhận diện suy nghĩ sai lệch và điều chỉnh nhận thức.
  • Giảm mức độ hoang tưởng và tăng khả năng nhận diện đúng sự thật.

Ví du: Một người đàn ông tên là Minh tin rằng vợ anh ta đã bị thay thế bởi một kẻ mạo danh bởi vì cách sinh hoạt và thái độ của vợ anh thay đổi đột ngột trông rất khác mọi ngày. Vậy khi sử dụng liệu pháp CBT, thì:

    • Nhà trị liệu sẽ làm việc với Minh để xác định những suy nghĩ và niềm tin của anh ta về việc vợ anh ta bị thay thế.
    • Họ sẽ cùng nhau xem xét các bằng chứng ủng hộ và chống lại niềm tin này.
    • Nhà trị liệu sẽ giúp Minh phát triển những giải thích thay thế hợp lý hơn, chẳng hạn như những thay đổi trong hành vi của vợ anh ta có thể là do căng thẳng hoặc mệt mỏi hoặc là do thay đổi nội tiết tố,…

Dược lý liệu pháp

  • Thuốc chống loạn thần (đối với bệnh nhân tâm thần phân liệt). Ví dụ: Chlorpromazine, Aripiprazole,…
  • Thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc ổn định tâm trạng nếu có rối loạn đi kèm. Ví dụ: Fluoxetine (Prozac), Lamotrigine (Lamictal),…

Lưu ý: Mỗi loại thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ khác nhau, và hiệu quả của thuốc cũng khác nhau tùy thuộc vào từng người. Việc sử dụng thuốc phải được chỉ định và theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Liệu pháp tâm lý cá nhân

  • Giúp bệnh nhân xử lý cảm xúc tiêu cực và cải thiện tương tác xã hội.
  • Hỗ trợ gia đình trong việc giao tiếp và chăm sóc bệnh nhân.

Can thiệp y khoa và trị liệu thần kinh

  • Các bài tập kích thích nhận diện và ghi nhớ hình ảnh.
  • Hỗ trợ phục hồi chức năng não trong trường hợp tổn thương thần kinh.

Kết luận

Hội chứng Capgras là một rối loạn hiếm gặp nhưng có thể gây ra nhiều khó khăn trong cuộc sống của người mắc và gia đình họ. Việc nhận diện sớm và điều trị kịp thời có thể giúp kiểm soát triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Nếu bạn hoặc người thân gặp các dấu hiệu của hội chứng này, hãy tìm đến chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.

Sức khỏe tinh thần quan trọng không kém sức khỏe thể chất. Hy vọng bài viết này giúp bạn hiểu rõ hơn về Hội chứng Capgras và cách ứng phó hiệu quả. Trần Toàn Psy hy vọng sẽ mang đến cho bạn những kiến thức bổ ích về Tâm lý học. Chúc bạn một ngày tràn đầy năng lượng và tích cực!

You may also like

Leave a Comment