Burrhus Frederic Skinner (1904 – 1990).
Burrhus Frederic Skinner (20 tháng 3 năm 1904 – 18 tháng 8 năm 1990) sinh ra ở thành phố Susquehanna, bang Pennsylvania nơi ông đã sống cho đến khi vào đại học. Theo hồi ức của mình, tuổi thơ của ông diễn ra trong tình yêu và sự tĩnh lặng. Ông học trong chính ngôi trường nơi mà cha mẹ ông đã từng học. B.F. Skinner yêu ngôi trường của mình và sáng sáng ông thường đến lớp sớm nhất. Tuổi thơ ông say mê sáng tạo ra những đồ vật khác nhau: mô hình máy bay, súng hơi dùng đạn khoai tây và cà rốt bắn lên nóc nhà hàng xóm. Ông đã mất vài năm để chế ra động cơ vĩnh cửu. Ông đã đọc nhiều về hành vi động vật và tạo ra một vườn thú nhỏ trong nhà mình, trong đó có những con rùa, rắn… Một lần trong triển lãm, ông nhìn thấy những chú bồ câu làm xiếc, nhiều năm sau chính ông đã dạy cho bồ câu những động tác tinh xảo.
Hệ thống tâm lý học của B. F. Skinner phản ánh kinh nghiệm sống của ông thời ấu thơ và thiếu niên. Theo quan điểm riêng của ông, cuộc sống con người là thành quả của những củng cố trong quá khứ. Ông cho rằng, có thể theo dõi tất cả những khía cạnh của cuộc sống con người, ngay cả đến những nguồn gốc sâu xa nhất của nó.
B. F. Skinner học Đại học Hamilton ở New York, nhưng ở đó ông không thích thú lắm.
Sau khi đọc những bài viết về thực nghiệm của J. Watson và I.P. Pavlov về sự hình thành phản xạ có điều kiện, B. F. Skinner đã đột ngột chuyển từ các khía cạnh văn hóa của hành vi con người sang các khía cạnh khoa học. Năm 1928, ông làm nghiên cứu sinh về tâm lý học tại Đại học Tổng hợp Harvard – mặc dù trước đó ông chưa một lần nghe giảng về tâm lý học. Theo lời ông, sở dĩ ông làm nghiên cứu sinh “Không phải vì ngay tức thì cảm thấy ham muốn không thể cưỡng lại đối với tâm lý học, mà là để tránh sự lựa chọn không thể nào chịu đựng nổi”. Dù có hay không sự say mê không thể cưỡng nổi với tâm lý học, nhưng 3 năm sau ông đã nhận học vị tiến sĩ triết học. Hoàn thành công trình khoa học, sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ, ông giảng dạy tại Đại học Tổng hợp bang Minnesota (1936 – 1945) và Đại học Tổng hợp bang Indiana (1945 – 1974), sau đó quay trở lại Harvard.
Đề tài luận án liên quan đến luận điểm mà B.F. Skinner kiên trì theo đuổi trong suốt đường công danh của mình. Ông cho rằng phản xạ là sự tương quan giữa kích thích và phản ứng và không có gì khác. Trong cuốn sách xuất bản năm 1938 Hành vi của cơ thể (The behavior of organism) ông đã mô tả những luận điểm cơ bản của hệ thống này. Điều kì lạ là trong vòng 8 năm kể từ khi công bố cuốn sách chỉ bán được 500 bản và nó phần lớn chỉ nhận được những lời nhận xét tiêu cực, nhưng 50 năm sau người ta nói rằng: “Đó là một trong không nhiều cuốn sách đã thay đổi bộ mặt của tâm lý học hiện đại”.
Trong những năm 60, đã bắt đầu nổi lên ngôi sao B.F. Skinner, một phần vì sự chấp nhận tư tưởng của ông trong lĩnh vực giáo dục, một phần nhờ ảnh hưởng ngày càng tăng của tư tưởng B. F. Skinner trong lĩnh vực thay đổi hành vi trong lâm sàng. Sự ứng dụng rộng rãi những tư tưởng của B. F. Skinnerphù hợp với khát vọng của ông, vì ông quan tâm sâu sắc đến những vấn đề của đời sống thực tế. Công trình sau này của ông Khoa học và hành vi con người (Science and human behavior, 1953) đã trở thành giáo trình về Tâm lý học hành vi.
B. F. Skinner đã liên tục lao động sáng tạo với lòng nhiệt tình cho đến khi mất ở tuổi 86. Trong tầng trệt của ngôi nhà mình, ông đã lắp đặt riêng một “chiếc hộp Skinner” – một môi trường được kiểm soát, cung cấp sự củng cố tích cực. Ông ngủ tại đó, trong chiếc hộp nhựa màu vàng, có đặt đệm, một vài giá sách và một tivi nhỏ. Lịch làm việc của ông: đi ngủ vào lúc 10 giờ tối, ngủ ba tiếng, sau đó làm việc một tiếng, sau đó lại ngủ ba tiếng và dậy lúc 5 giờ sáng hôm sau để tiếp tục làm việc thêm ba tiếng nữa. Buổi sáng ông đến phòng làm việc của mình tại Đại học Tổng hợp và ở đó làm việc. Buổi chiều ông cho phép mình được hưởng sự củng cố tích cực bằng việc nghe nhạc. Ngoài ra, quá trình viết bài cũng có ảnh hưởng tích cực to lớn đến ông. “Tôi rất thích viết lách, thật là đáng tiếc nếu như lúc nào đó tôi buộc phải từ bỏ việc này”.
Vào năm 1989, Skinner mắc bệnh bạch cầu. Ông chỉ còn sống được gần hai tháng.
Tám ngày trước khi mất, mặc dù đã rất yếu, B.F. Skinner vẫn trình bày bài viết của mình trong cuộc họp của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ ở Boston. Bài viết đã đề cập đến vấn đề những kích thích quan sát được, không quan sát được và tương ứng là các hành vi đáp lại và hành vi tạo tác.
Lời kết:
Trần Toàn Psy mong sẽ giúp các bạn có thể biết thêm về Tâm Lý học, chúc bạn có một ngày thật tích cực <3.
(Nguồn: Giáo Trình Các Lý Thuyết Phát Triển Tâm Lý Người – Phan Trọng Ngọ)